Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ của Việt Nam, có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Cao Bằng đã được chủ tích Hồ Chí Minh chọn lựa để làm căn cứ cách mạng lâm thời, các dấu tích nơi Bác làm việc vẫn còn được lưu lại cho đến ngày hôm nay. Đa số diện tích của Cao bằng được che phủ bởi rừng vì thế không khí khá trong sạch ở các vùng nông thôn, các khu dân cư và thành phố. Cao Bằng nổi tiếng với cả khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài với núi non trùng điệp, các thắng cảnh tự nhiên còn rất hoang sơ và vô số các di tích lịch sử, trong đó phải kể đến nơi thu hút khách du lịch hiện nay nhất chính là Thác Bản Giốc.
Thác bản giốc nằm ở xã Đàm Thủy , huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong 4 thác nước nằm giữa biên giới hai quốc gia đẹp nhất thế giới với các tầng thác nối tiếp nhau trải rộng đến cả trăm mét. Thác được đánh giá là thác nước đẹp nhất Việt Nam và Đông Nam Á, ngoài ra nó còn được xếp vào danh sách những thiên đường du lịch đẹp nhất thế giới
Một trong những điều tạo nên vẻ đẹp của thác Bản Giốc là phần thác chính, thác không chảy thẳng 1 dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang khiến nước sống Quây Sơn chảy qua đât chia tách thành nhiều dải.
Khí hậu ở thác Bản Giốc được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Thời điểm mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9, chính vì vậy thời điểm lí tưởng nhất đến thăm thác Bản Giốc là tháng 9 và tháng 10 khi thác có rất nhiều nước với màu xanh lục biếc vô cùng thu hút và các dòng thác tung bọt trắng xóa.
Tuy nhiên với những khách du lịch không hào hứng với những cơn mưa thì từ tháng 10 trở đi là lúc thác Bản Giốc bước vào mùa thu khô ráo nhất, bầu trời trong xanh và khí hậu lúc này cũng vô cùng mát mẻ. Điều đặc biệt nhất là du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng dòng sông Quây Sơn khi ấy sóng sánh một màu xanh ngọc trong vắt – một tuyệt tác từ bàn tay của đất mẹ hùng vỹ.
1. Phương tiện để di chuyển đến Thác Bản Giốc
Những cung đường đi đến tỉnh Cao Bằng nói chung và đến thác Bản Giốc nói riêng nhìn chung còn rất hoang sơ, cheo leo do địa hình của nơi đây chủ yếu là đồi núi. Trung tâm thành phố Cao Bằng cách Hà Nội 280 km nên bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân hoặc thuê xe. Đối với phương tiện cá nhân, hãy đảm bảo rằng tay lái của bạn chắc chắn và phương tiện di chuyển phải có đủ điều kiện để đi trên những địa hình đồi núi. Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn thì nên chọn thuê xe hoặc đi xe khách để đảm bảo an toàn.
2. Các món ăn nên thử khi đến Thác Bản Giốc
Vịt quay Cao Bằng
Nhắc đến vịt quay, đa phần mọi người thường nghĩ đến vịt quay Bắc Kinh, vịt quay mắc mật Lạng Sơn,… nhưng món vịt quay 7 vị Cao Bằng thì không nhiều người biết và từng được thưởng thức qua. Đây là một món ăn vô cùng độc đáo bởi thịt vịt đã được tẩm ướp 7 loại gia vị của người dân tộc Tày, thịt vịt được ngấm sâu những hương vị được tẩm ướp khiến cho món ăn trở nên đậm đà mang một hương vị rất riêng của Cao Bằng.
Cá Trầm Hương nướng.
Loại cá này được người dân địa phương đánh bắt ở chân thác và mang ra chợ bán. Những con cá tươi ngon bày bán vào mỗi buổi chợ chính là nguyên liệu làm nên món ăn đặc sản chỉ có ở duy nhất vùng này. Thịt cá Trầm Hương rất ngon, khi ăn bạn có thể cảm nhận được hương vị đậm đà của thịt cá, cho dù là những thực khách khó tính nhất cũng phải ngả mũ trước món ăn này
Chè lam Cao Bằng
Chè lam là một món ăn vô cùng đặc biệt của Cao Bằng nhất là vào mùa đông. Nhấm nháp một miếng chè lam thơm hương gừng rồi uống một ngụm trà, vị ngọt của chè được nước trà cuốn trôi, chỉ còn lại mùi thơm nhẹ cùng chút ngọt đọng lại nơi cuống họng. Chất gừng trong món chè sẽ làm cho du khách cảm thấy ấm áp giữa mùa đông lạnh giá của Cao Bằng.
3. Các lễ hội được tổ chức ở nơi đây
Lễ hội Lồng Tồng
Hàng năm vào đầu năm mới, người dân ở Cao Bằng sẽ tổ chức lễ hội Lồng Tồng tại các bản làng từ ngày mùng 2 đến ngày 30 tháng Giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới với hi vọng mùa màng bội thu, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh.
Lễ hội sẽ được tổ chức tại một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống dồng. Người chủ trì lễ hội thường là thại đình (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng thần Nông của bản làng đó. Trong nghi thức xuống đồng, một người đàn ông to khỏe, đức độ, cày giỏi, làm ăn giỏi nhất làng và một con trâu tốt nhất được chọn để vạch những đường cày đầu tiên của vụ mới, mở đầu cho một mùa sản xuất bội thu. Người chủ trì sẽ xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cổ.
Sau phần lễ, lễ hội Lồng Tồng sẽ bước sang phần hội với nhiều hoạt động và các trò chơi dân gian, đặc biệt là khi màn đêm buông xuống và những đám lửa trại được thắp lên rực sáng cả một góc bản làng. Những khác ca, những điều múa của các đôi nam thanh nữ tú sẽ được cất lên với mong ước một năm bình an hạnh phúc.
4. Những địa điểm du lịch khác ở Cao Bằng mà du khách có thể tham quan ngoài thác Bản Giốc
Chùa Phật Tích Trúc Lâm.
Chỉ cách thác Bản Giốc chừng 500m chính là chùa Phật Tích Trúc Lâm, ở đây thờ vị anh hùng Nùng Chí Cao – một nhân vật trong lịch sử và là biểu tượng văn hóa của thế kỷ thứ XI. Ngoài cầu bình an sức khỏe cho cả gia đình, du khách có thể vãn cảnh chùa bởi sự yên tĩnh của nơi đây sẽ đem lại cảm giác yên bình cho mỗi vị khách.
Hồ Thang Hen
Bên cạnh Thác Bản Giốc, khi đi du lịch Cao Bằng bạn có thể ghé thăm hồ Thang Hen là một hồ nước hình thoi rất độc đáo nằm ở giữa lòng núi rừng Đông Bắc và được bao quanh bởi các ngọn núi đá vôi, tạo nên một cảnh quan vô cùng hùng vĩ. Hồ Thang Hen như một viên ngọc bích ẩn mình giữa núi rừng Cao bằng với làn nước trong vắt màu xanh lục, giống như một chiếc gương soi bóng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Việt Nam.
Di tích cách mạng Pác Bó – suối Lê Nin
Pác Pó là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng tại Cao Bằng, đây là địa điểm sống và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Một số địa điểm như núi Các Mác, suối Lê Nin đã được Bác đặt tên cùng với bài thơ do chính Bác sáng tác. Bài thơ ca ngợi vẻ đpẹ hoang sơ, tươi sáng của núi rừng Đông Bắc.
Đông Ngườm Ngao.
Tên động Ngườm Ngao được đặt theo tiếng dân tộc Tày, Ngườm có nghĩa là hang động, Ngao là hổ, dịch ra là hang Hổ. Động có chiều sâu hơn 2000m. Hang động là một kì quan thiên nhiên vô cùng lộng lẫy và hoành tráng với các lớp thạch nhũ được hình thành từ hàng triệu năm trước tạo nên các hình dáng vô cùng kì thú và độc đáo.
Làng rèn Phúc Sen.
Đây là một khu du lich sinh thái thuộc xã Phúc Sen, Quảng Uyên, Cao Bằng, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Nùng An với nghề rèn được truyền từ đời này sang đời khác.
Khách du lịch có thể đi bộ quanh làng, nhìn ngắm những sản phẩm do chính bàn tay người thợ nơi đây tạo ra. Hơn nữa, bạn còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà, trang phục dân tộc, lối sống sinh hoạt của người dân bản địa. Lượng du khách đến đây ngày càng tăng điều đó giúp cho đời sống người dân được nâng cao đáng kể.
Khám phá đèo Mã Phục
Đèo nằm giữa huyện Trà Linh và Hòa An, đây là con đèo đẹp nhất từ Phổ Lũng đến của khẩu Tà Nùng. Để chinh phục được đỉnh đèo, du khách phải vượt qua 7 vòng dốc, đường đi hẹp, quanh co, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu. Từ trên đèo nhìn xuống, du khách có thể thấy những ngọn núi cao thấp nối tiếp nhau. Ở mỗi thời điểm trong ngày, đèo Mã Phục lại mang những vẻ đẹp khác nhau khiến cho du khách luôn cảm thấy mới mẻ và thú vị mỗi khi chinh phục nơi đây.